Điều kiện tự nhiên:
I- Vị trí địa lý:
Huyện Đông Giang là một trong 08 huyện miền núi, nằm tại vùng Tây của tỉnh Quảng Nam cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 145 km về phía Tây Nam, cách thành phố Đà Nẵng 95 km về phía Đông. Có vị trí địa lý theo tọa độ từ 15050’ đến 16010’ độ Vĩ Bắc và từ 107035’ đến 107056’ độ Kinh Đông.
Phần lớn các trung tâm hành chính của xã, thị trấn trong huyện đều nằm trên trục đường 14G và đường Hồ Chí Minh.
Toàn huyện có 10 xã và 01 thị trấn
Tổng diện tích tự nhiên: 81.263,23 ha (812,63 km2)
Ranh giới được xác định:
- Phía Đông giáp: huyện Hòa Vang - Thành phố Đà Nẵng
- Phía Tây giáp: huyện Tây Giang - Quảng Nam
- Phía Nam giáp: huyện Nam Giang và huyện Đại Lộc - Quảng Nam
- Phía Bắc giáp: huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
II. Địa hình đất đai, thổ nhưỡng
Nằm trên dazy Trường Sơn hùng vĩ, huyện Đông Giang có địa hình khá phức tạp và hiểm trở, nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, sông suối ngăn cách, thung lũng vừa hẹp, vừa sâu.
Tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 81.263,23 ha. Bao gồm:
- Đất nông nghiệp : 4.237,88 ha, chiếm 5,22%
- Đất Lâm nghiệp có rừng : 66.175,0 ha, chiếm 81,43%
- Đất chưa sử dụng : 8.074,34 ha, chiếm 9,94%
- Đất khác: 2.749,01 ha, chiếm 3,41%
Theo kết quả điều tra của Đoàn quy hoạch Nông nghiệp thuộc Viện quy hoạch Bộ Nông nghiệp, trên địa bàn huyện Đông Giang có các loại đất chính sau:
+ Đất đỏ vàng hình thành trên đá biến chất và đất sét (Fs): thành phần cơ giới từ trung bình đến thịt nặng, có nhiều đá lẫn, độ pH từ 4-6. Tập trung ở vùng đất đồi núi xã Ba, Tư, ATing, P’rao, A Rooih, Zà Hung.
+ Đất đỏ vàng hình thành trên đá Macma acid (Fa). Tầng đất trung bình, tỷ lệ đá lẫn tương đối ít, độ pH từ 4-5,5. Tập trung ở xã Ba, Tư, ATing, Sông Kôn, Jơ Ngây, Tà Lu.
+ Đất nâu đỏ hình thành trên đá vôi (Fv): Độ pH từ 6-7. Thành phần đất thịt nhẹ đến trung bình. Tập trung ở hai xã Kà Dăng và Mà Cooih.
+ Đất dốc tụ (D), đất phù sa sông ngòi (Py): tập trung ven các con sông, suối lớn và một ít ở các chân đồi, loại đất này rải rác ở các xã đều có nhưng không nhiều.
+ Ngoài ra có các loại đất khác như đất vàng nhạt (Fq), đất nâu tím (Fe), đất mùn vàng nhạt (Hs), đất mùn vàng đỏ (Ha), đất xám bạc (Xa)... phân bổ ở các xã nhưng diện tích không lớn.
Nhìn chung đất đai trên địa bàn huyện Đông Giang chủ yếu thuộc loại đất đỏ vàng hình thành trên đá biến chất và đất sét (Fs) và đất vàng đỏ trên đá Macma acid (Fa) các loại đất này đều bị chua có độ pH từ 4,5 đến 5,5 phù hợp với các loại cây lâm nghiệp. Riêng xã Kà Dăng, Mà Cooih và một số khu nhỏ ở A Rooi, Sông Kôn, Jơ Ngây hình thành trên tầng đá vôi nên có đặc tính kiềm nhẹ phù hợp cho các loại cây ăn quả.
III. Khí hậu - Thời tiết:
1. Thời tiết gió Mùa:
Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió Mùa thuộc khu vực Đông Trường Sơn, chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 02 dương lịch và mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch.
Trong mùa mưa, xuất hiện gió mùa Đông Bắc tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau.
+ Vùng Đông gồm xã Tư, Ba, Kà Dăng có đặc tính khí hậu Nam Hải Vân và riêng xã Tư và xã Ba chịu ảnh hưởng trực tiếp không khí lạnh từ dãy núi Bà Nà. Điểm rét, mưa nhiều, mùa mưa kéo dài. Riêng xã Kà Dăng do bị che chắn bởi các dãy núi cao nên mức độ ảnh hưởng có giảm.
+ Vùng Trung gồm A Ting, Sông Kôn, Jơ Ngây chịu ảnh hưởng hai dòng khí hậu Bắc Hải Vân và Nam Hải Vân nên trong mùa mưa thời tiết rét lạnh diễn ra thường xuyên hơn.
+ Vùng Tây gồm Tà Lu, Prao, Zà Hung, A Rooi, Mà Cooih chịu ảnh hưởng của khí hậu Bắc Hải Vân và không khí lạnh từ dãy núi Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ vùng núi Bạch Mã và vùng núi Bà Nà nên thời tiết ở huyện Đông Giang thường rét lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất và điều kiện sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Trong mùa khô xuất hiện gió mùa Tây Nam, vào giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 dương lịch (Từ giai đoạn tiết Hạ chí đến Đại thử) thường hay có những đợt gió khô nóng từ Lào thổi sang.
Mức độ tác động ảnh hưởng của gió Lào ở từng vùng cũng có khác nhau:
+ Các xã vùng Tây có vị trí tiếp giáp gần nhất nên chịu ảnh hưởng nặng nhất.
+ Các xã vùng Trung do khi dòng khí nóng thổi vào đã bị cản lại bởi các dãy núi cao nên mức độ ảnh hưởng ít hơn.
+ Các xã vùng Đông ít chịu ảnh hưởng bởi dòng khí nóng đã bị suy yếu dần và hơn nữa với địa hình độ dốc thấp không tạo sự chênh lệch lớn về áp suất giữa đỉnh núi và chân núi phát triển hiện tượng gió phơn khô.
Nhiệt độ: Trung bình: 23,50C. Cao nhất 380C; Thấp nhất 80C. Biên độ nhiệt ngày và đêm: 8-90C.
Lượng mưa: Bình quân hàng năm 2.650mm, số ngày mưa trung bình trong năm là 189 ngày. Lượng mưa tập trung 80% vào mùa mưa lũ. Các tháng mưa lớn trong năm là tháng 10, 11, 12 dương lịch.
Lượng bốc hơi: Bình quân hàng năm là 95mm. Trong các tháng 6, 7, 8 lượng bốc hơi cao nhất có thể lên đến 125- 130mm.
Độ ẩm: Trung bình hàng năm 86,5%. Cao nhất 97%; Thấp nhất 50%.
Sương mù: Thường xảy ra trong năm khi có hiện tượng không khí lạnh tràn vào, nhất là các tháng mùa mưa rét.
Bão lũ: Bão thường xuất hiện từ tháng 7-10 hàng năm. Hiện tượng lũ quét thường xảy ra mỗi khi có những đợt mưa lớn từ đầu nguồn các khe suối.
2. Thủy văn:
Đông Giang có địa hình hầu hết là núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt thành nhiều vùng: hình thành nên hệ thống các sông lớn là: Sông Vàng, sông Kôn, sông A Vương và sông Boung.
Sông Kôn: Bắt nguồn từ huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên - Huế đi qua các xã ATing, Sông Kôn, Kà Dăng rồi đổ ra sông Vu Gia (Đại Lộc). Lưu lượng nước trong mùa kiệt 4m3/s, mùa lũ 21m3/s mực nước trung bình vào mùa khô là 1,5m.
Sông A Vương: Bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, qua địa phận huyện Tây Giang và đi qua các xã, thị trấn Prao, Zà Hung, Arooi, Mà Cooih rồi đổ vào sông Boung. Lưu lượng nước trong mùa kiệt 6m3/s, mùa lũ 25m3/s, mực nước trung bình vào mùa khô là 1,8m.
Sông Vàng: Bắt nguồn từ huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên - Huế đi qua các xã Tư, Ba và nhập vào Sông Kôn trước khi đổ vào sông Vu Gia. Lưu lượng nước trong mùa kiệt 5m3/s, mùa lũ 25m3/s, mực nước trung bình vào mùa khô là 0,8m.
Khe suối: Hầu hết các xã, thị trấn đều có nhiều khe suối lớn nhỏ.